Các sự cố thường gặp và cách bảo vệ smartphone khi thời tiết quá lạnh
Thấy Sa Pa có tuyết rơi đẹp quá, không ít dân phượt quyết định xách ba lô lên và đi một chuyến đến nơi phủ đầy tuyết trắng hiếm hoi tại Việt Nam. Nhưng trước khi đi bạn cần xem qua bài viết này để bảo vệ smartphone cũng như thiết bị số khác được an toàn hơn.
Được biết, thời tiết lúc này tại Sa Pa đã lạnh -3 độ C. Gần như chắc chắn nhân dịp Sa Pa đang có tuyết rơi, nhiều bạn yêu phượt và du lịch sẽ đến địa điểm này rất nhiều. Tuy nhiên, theo trang ibtimes của Mỹ dẫn nguồn tin từ các nhà nghiên cứu cho biết, thiết bị Android có khả năng chịu lạnh tốt hơn so với iOS, nhưng ở nhiệt độ -40 độ C, thì máy nào cũng như máy nấy cũng sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn để chống lại với cái lạnh khắc nghiệt.
Thực tế cho thấy, chẳng cần phải chờ đến -40 độ, thời tiết mấy ngày nay tại Sa Pa đã đủ khiến chiếc smartphone của bạn gặp phải các vấn đề do tác động của hơi lạnh, thậm chí còn khiến xe cộ khó khởi động vào sáng sớm hay không chịu nổ máy sau vài phút nghỉ "giải lao" bên đường. Dưới đây là 5 vấn đề thường gặp của smartphone trong thời tiết lạnh hơn thường ngày.
1. Pin tụt không phanh
Tình trạng pin smartphone cạn kiệt nhanh hơn bình thường được xem là một trong những ảnh hưởng trực tiếp nhất do thời tiết lạnh gây ra. Thiết bị có thể tắt nguồn ngay lập tức khi điện năng bên trong pin cạn nhanh một cách bất thường. Chưa hết, nếu smartphone cứ phải sống chung với thời tiết lạnh khắc nghiệt trong một thời gian dài, thì không bao lâu pin của máy sẽ xuống cấp trầm trọng.
2. Màn hình bắt đầu dở chứng
Smartphone được trang bị màn hình LCD thường dễ bị "cảm lạnh" hơn so vớiAMOLED. Tệ hơn nữa, với màn hình LCD, người dùng có thể gặp phải tình trạng cảm ứng chậm, hay chữ và màu sắc bị nhòe, mờ.
3. Sự cố... nội bộ bên trong
Ở nhiệt độ cực lạnh smartphone có thể gặp phải một số vấn đề về các bộ phận bên trong, chẳng hạn như SIM lúc nhận lúc không hoặc các chức năng cơ bản cũng gặp sự cố.
4. Thiệt hại về vật chất cả bên trong và bên ngoài máy
Cái lạnh khắc nghiệt có thể làm các bộ phận của smartphone, cả bên ngoài và trong bị thiệt hại về mặt vật lý, nhất là đối với màn hình. Chỉ cần một cú rơi hoặc va chạm tương đối cũng có thể khiến màn hình bị nứt hoặc hỏng các bộ phận bên trong. Nếu thiết bị phải chịu nhiệt độ cực lạnh kéo dài có thể gây ra những hỏng hóc vĩnh viễn, đặc biệt là khi để máy ở chế độ ngủ.
5. Ngưng tụ chất lỏng
Smartphone rất dễ gặp tình trạng ngưng tụ chất lỏng bên dưới màn hình (dễ tưởng tượng hơn là hiện tượng này giống như khi bạn bỏ viên đá lạnh vào ly nước thì một chút sau, xung quanh ly sẽ có một lớp nước), nếu chúng được sử dụng trong thời tiết ấm ngay sau khi vừa được đặt trong môi trường cực lạnh trong một thời gian dài. Chất lỏng này sẽ gây hư hỏng màn hình hoặc làm màn hình bị nhòe và khó nhìn.
Giải pháp bảo vệ smartphone khi đương đầu với thời tiết lạnh giá
Hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng smartphone trong trời lạnh. Để điện thoại trong áo khoác, túi quần hoặc túi xách và để những chiếc túi đựng điện thoại này ở gần cơ thể để máy tận dụng được hơi ấm của cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng nên bảo vệ smartphone bằng những loại bao dày, có khả năng chống nước và chống va đập.
Việc đeo găng tay ấm khi dùng smartphone trong trời lạnh rất cần thiết. Dù găng tay có ấm hay không, bảo vệ bản thân bạn trong trời lạnh sẽ khiến tay bạn không bị cóng và giảm nguy cơ làm rớt điện thoại. Đừng để điện thoại của bạn trong xe lạnh ở một thời gian dài, đặc biệt là qua đêm vì như vậy thiết bị sẽ chịu những thiệt hại vĩnh viễn cả bên trong và bên ngoài. Tránh không để tuyết rơi vào điện thoại bởi tuyết khi tan sẽ tạo thành nước và dễ gây hỏng điện thoại.
Cần sử dụng tai nghe có dây hoặc tai nghe Bluetooth để gọi điện trong những trường hợp thời tiết như thế này, nhằm hạn chế việc lấy điện thoại ra sử dụng. Bên cạnh đó, cần sạc điện thoại đầy pin trước khi ra ngoài. Bởi làm như thế, bạn sẽ không gặp phải tình trạng cạn pin như đã nói phía trên. Dĩ nhiên, phải mang theo pin sạc dự phòng khi đi du lịch hay phượt xa.
Nếu bạn phải làm việc hoặc hoạt động gì đó ở ngoài trời lạnh trong một thời gian dài, thì mỗi khi không dùng đến smartphone bạn nên tắt nguồn máy đi và chỉ sử dụng lại ở trong phòng ấm. Điều này không chỉ giúp tránh tình trạng ngưng đọng nước mà còn tránh khỏi bất kỳ hư hại nào có thể xảy ra khi thiết bị ấm lên.
Hy vọng, sau bài viết này sẽ giúp bạn bảo vệ được smartphone cũng như thiết bị số khác không bị hư hại trong thời tiết lạnh giá.
Nguồn: TGDD