7 triệu không phải là một con số lớn, nhưng nếu bạn biết cách sử dụng đúng số tiền ấy, chuyện mua nhà mua xe sau 5 năm là điều hoàn toàn có thể.
Nhiều người vẫn hay than thở, chưa hết tháng tiền đã hết rồi. Đó là do chúng ta vẫn chưa biết cách quản lý tài chính sao cho hợp lý. Hy vọng với những chia sẻ này, các bạn sẽ có được định hướng rõ ràng để có thể dành dụm được đủ tiền mua nhà trong vòng 5 năm tới. Có thể bạn sẽ không tin, nhưng nếu chịu áp dụng, bạn sẽ mua được nhà.
Cách này tôi học hỏi từ tỷ phú Hongkong Li Ka-Shing, người giàu nhất châu Á hiện nay với số tài sản lên tới 29,1 tỷ USD. Nếu bây giờ bạn đi làm được 7 triệu/tháng, hãy chia nhỏ khoảng tiền của mình thành 6 khoản khác nhau, 2.100.000, 1.500.000, 700.000, 1.200.000 và 1.500.000 nghìn đồng.
Hãy chia nhỏ khoản tiền lương để chi tiêu. Ảnh minh họa |
Khoản tiền đầu tiên là 2.100.000, bạn có thể dùng nó để chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Tiền ăn uống với 70.000 đồng là hoàn toàn có thể. Sẽ tiết kiệm hơn nếu bạn có thể tự nấu ăn cho mình. Một bữa ăn trưa ở ngoài có thể tốn 30.000 đồng, nhưng nếu bạn tự nấu 50.000 đồng có thể ăn được cả 3 bữa chính.
Khoản thứ hai, 1.100.000, bạn hãy dùng số tiền này để giao thiệp bạn bè. Nếu không đi ăn, đi chơi nhà hàng sang trọng, số tiền này vẫn đủ để bạn có thể đi cafe hay ăn mấy quán ven đường. Bạn cũng có thể trích 300.000 đồng trong số này để chi trả tiền điện thoại. Bạn cũng cần trích ra 400.000 đồng để chi trả cho xăng xe đi lại hàng ngày, nếu bạn không ngại, việc đi lại bằng xe buýt sẽ vô cùng tiết kiệm.
Khoản tiền 700.000 đồng, bạn để dành để tiết kiệm, cuối năm lại có thể đi du lịch. Nhiều người có thể thắc mắc, 700.000 đồng thì đi được đâu, hãy tính đến số tiền 1 năm nhé! Hơn 8 triệu đồng, bạn có thể du lịch 1 nước Đông Nam Á nào đó, mở mang thêm kiến thức, biết nơi này chỗ kia.
Số tiền 1.200.000 đồng, bạn để dành chi trả cho tiền thuê nhà. Nếu chưa có thể ở một mình vì chi phí thuê nhà quá cao, bạn vẫn có thể ở ghép, chờ tích đủ tiền 1 vài năm, bạn sẽ có 1 nơi ở tiện nghi và thoải mái hơn nhiều. Với những ai ở cùng gia đình, bạn sẽ có hẳn khoản tiền này. Hãy dùng nó để đi học thêm 1 môn gì đó, kiến thức luôn là hành trang cần thiết cho chúng ta. Bạn sẽ không bao giờ cảm thấy tiếc tiền nếu dùng nó để chi tiêu cho học tập.
Cuối cùng là khoản tiền 1.500.000, bạn hãy dùng nó để đầu tư một món đồ nào đó, kinh doanh online chẳng hạn. Đây là một hình thức không tốn nhiều vốn, lại có thể chủ động trong nguồn hàng, rất hợp với những ai thích kinh doanh mà không có nhiều tiền. Dần dần khi đã ổn định, bạn có thể đưa mô hình kinh doanh online đó trở thành một cửa hàng thực tế.
Đến năm thứ 2, nếu con số lương của bạn vẫn là 7 triệu, hãy tự trách bản thân mình bởi chẳng ai làm việc tốt mà vẫn mãi nằm lì ở 1 mức lương cả. Chưa kể ngày Tết bạn còn được thưởng lương tháng 13 nữa.
Tìm thêm 1 công việc làm thêm nào đó nếu bạn cảm thấy mình vẫn còn dư thời gian. Người trẻ, có năng lượng, còn có thể làm được lúc nào hãy tận dụng lúc đó.
Nếu bạn được tăng lương, hãy tiếp tục chia tiền của mình thành 5 phần nhỏ rõ ràng như vậy để có thể dễ dàng theo dõi, quản lý. Khi chúng ta chưa có nhiều tiền, hãy hạn chế việc ra ngoài. Càng ra ngoài nhiều, tiền bạc sẽ khó quản lý và dễ dàng bị tiêu phung phí. Nếu không cảm thấy cần thiết, hãy khéo léo từ chối một cuộc hẹn.
Tôi đảm bảo rằng, nếu bạn biết tiết kiệm và chi tiêu một cách khoa học như vậy, chẳng có lí do gì mà sau 5 năm bạn không trở thành 1 người thành công.
Chúng ta có thể nghèo ở một thời điểm nào đó, nhưng nếu biết cách sử dụng đúng đồng tiền của mình, làm ông chủ trong tương lai là hoàn toàn có thể. Hẳn có người sẽ bảo, như vậy là đang sống hay đang tồn tại, tôi tin rằng ngoài kia vẫn còn rất nhiều sinh viên vẫn đang sống rất tốt với số tiền chưa bằng nửa số lương của các bạn đang có.
theo Vietnamnet
0 Nhận xét